Trong suốt giai đoạn đầu bùng phát dịch COVID-19, tôi đã chia sẻ với các chủ doanh nghiệp khái niệm quản lý rủi ro qua ví dụ kinh điển của một thế giới đầy biến động, bất trắc, phức tạp và mơ hồ (VUCA). Tầm quan trọng của việc hiểu về VUCA, một khái niệm do các học giả về hoạch định và lãnh đạo Warren Bennis và Burt Nanus phát triển năm 1987, trở nên hiển nhiên vì đại dịch buộc các nền kinh tế trên toàn thế giới phải tạm ngưng hoạt động vì sự an toàn của người dân. Trong khi nhiều công ty thích nghi với bối cảnh nguy hiểm đột ngột này thì một số khác lại không tự đổi mới và bị buộc phải đóng cửa.
Trong những công ty đó, một số lẽ ra có thể vẫn tồn tại — và thậm chí trở nên lớn mạnh hơn — nếu ban lãnh đạo của họ xem xét các nhận định trong nghiên cứu do McKinsey Global Institute công bố vào tháng 5/2020. Nghiên cứu đó hối thúc lãnh đạo doanh nghiệp cam kết tái đào tạo kỹ năng cho nhân lực trên quy mô lớn. Nghiên cứu cảnh báo rằng việc dựa vào nỗ lực đào tạo trong quá khứ sẽ không đủ vì một số khoản đầu tư trước đại dịch có thể không bao giờ mang lại lợi nhuận dự kiến trước những thay đổi đột ngột trong tác nhân thị trường.
Nhận định này đặt ra câu hỏi liệu chủ doanh nghiệp nên tập trung vào việc xây dựng lại hay tạo hướng kinh doanh mới đủ mạnh để vượt qua biến động tầm cỡ VUCA. Giờ họ hiểu rằng rủi ro về sức khỏe do COVID-19 gây ra là có thực và sẽ còn tiếp diễn. Tuy nhiên, còn chín rủi ro khác có thể gây tổn thương đến doanh nghiệp:
- Quá nhiều của cải có thể gây ra rủi ro với những người không nhận thức được an toàn về tài chính thông qua đa dạng hóa.
- Thiếu thanh khoản làm tăng nguy cơ đánh mất cơ hội tài chính.
- Mất thu nhập có thể đe dọa khả năng trả nợ đúng hạn khoản vay thế chấp của khách hàng.
- Chủ doanh nghiệp không có kế hoạch kế nghiệp có thể làm mất cơ hội của con cái hoặc người kế vị dự định của họ.
- Sống thọ hơn nghĩa là phải làm việc thêm nhiều năm nữa để có tiền duy trì sức khỏe.
- Cuộc đời ngắn ngủi nghĩa là phải lập kế hoạch thừa kế cho những người ở lại để họ tiếp tục chặng đường.
- Bị khuyết tật nghĩa là không có khả năng làm việc ở mức tối đa.
- Có người thân bị ốm đồng nghĩa với nguy cơ gặp áp lực trong các mối quan hệ.
- Tai nạn có thể làm gián đoạn công việc.
Điều may mắn là quản lý rủi ro vẫn có thể thực hiện trong thế giới VUCA.
Một trong những phương pháp quản lý rủi ro là chuyển giao. Trên thực tế, chuyển giao, hay còn gọi là thuê ngoài, là một cách quản lý dòng tiền và toàn bộ doanh nghiệp một cách kinh tế hơn. Chủ doanh nghiệp có thể trả phí để thuê các công ty có chuyên môn về lĩnh vực này quản lý rủi ro cho họ. Sau khi làm việc với khách hàng để xác định rủi ro và đề xuất giải pháp, chủ doanh nghiệp nói với tôi họ đã có bảo hiểm. Câu trả lời này phổ biến đến mức tôi đã chuẩn bị sẵn các câu hỏi sau dành cho họ:
- Tại sao anh/chị lại mua hợp đồng bảo hiểm?
- Hợp đồng đó có đáp ứng nhu cầu của anh/chị không?
- Anh/chị từng có thay đổi nào trong hợp đồng không?
- Anh/chị có ghi tên người thụ hưởng không?
- Anh/chị đã khi nào nộp hồ sơ đòi tiền bảo hiểm chưa?
Loạt câu hỏi này sẽ làm lộ ra những điểm còn thiếu trong hợp đồng bảo hiểm hiện tại của họ, giúp chủ doanh nghiệp nhận ra họ cần phải tìm hiểu nhiều hơn nữa. Trong thế giới VUCA, tư vấn viên đóng vai trò quan trọng trong việc giúp khách hàng nhìn nhận vấn đề này. Do vậy, nhiệm vụ của chúng ta là tận dụng những thách thức này bằng cách giúp họ làm những việc sau:
- Quản lý sự biến động một cách nhanh chóng và rõ ràng.
- Đối phó với sự bất trắc bằng kiến thức.
- Xử lý tình huống phức tạp bằng các giải pháp đơn giản.
- Giải quyết sự mơ hồ bằng khả năng thích ứng.
Khi giúp chủ doanh nghiệp xác định rủi ro một cách hợp lý và giảm thiểu chúng một cách hệ thống, chúng ta đã mang lại cho họ phần thưởng của quản trị rủi ro. Trong kỷ nguyên COVID-19 — hoặc trong bất kỳ tình huống VUCA nào — tư vấn viên trở thành động lực phát triển kinh tế bằng cách khuyến khích chủ doanh nghiệp tập trung vào tái xây dựng doanh nghiệp bền vững bằng sự tự tin, năng động và tĩnh tâm.