Khi Tuty Effendy được chẩn đoán ung thư vú vào năm 2000 lúc đang ở độ tuổi 30, cô được rất nhiều thành viên gia đình và bạn bè giúp đỡ. Thế nhưng không ai trong số họ đã từng trải qua căn bệnh ung thư này. Vì vậy, Effendy, thành viên MDRT năm đầu tiên đến từ Jakarta, Indonesia vẫn cảm thấy cô đơn.
Vì lý do đó, sau khi cô gặp một trong những người sáng lập Lovepink, Effendy đã tham gia vào tổ chức. Từ năm 2014, cô vận động cho công cuộc phát hiện ung thư vú sớm và hỗ trợ người mắc bệnh. Năm nay, cô đã nhận khoản tài trợ 10.000 đô la Mỹ từ quỹ Từ thiện MDRT. “Tôi tự hứa với bản thân, nếu Chúa Trời chữa trị cho tôi, tôi muốn chia sẻ trải nghiệm và món quà này cho những người đang có hoàn cảnh giống như tôi,” Effendy, người đã hoàn thành quá trình điều trị vào tháng 5 năm 2001, chia sẻ. “Nhờ Lovepink, cảm giác như mọi giấc mơ của tôi đều thành hiện thực vậy.”
Đây là lời của một người chưa bao giờ biết đến việc phát hiện ung thư sớm cho đến khi cô nhận được một brochure nhân Tháng Nhận thức về Ung thư vú khi đang ở Singapore thực hiện phẫu thuật cắt bỏ vú vào tháng 10 năm 2000. Trong suốt một thập kỷ qua, Effendy đã chứng kiến nhiều phụ nữ ở Indonesia phản đối việc điều trị y tế và hoá trị sau khi được chẩn đoán mắc bệnh bởi họ không muốn phẫu thuật, việc này khiến khối u càng lan rộng.
Effendy hồi tưởng, nếu cô từng nhận được sự hỗ trợ mà mình đang cung cấp, thì cô cũng sẽ có cùng trải nghiệm như những người được Lovepink giúp đỡ. “Lúc đầu, họ cảm thấy sợ hãi,” cô kể, đặc biệt nhớ lại một phụ nữ đã miễn cưỡng nhận hóa trị hoặc phẫu thuật, “nhưng sau khi trở thành một phần của Lovepink và nghe lời chứng sống của tôi, họ đã tìm thấy hy vọng.”
Khởi đầu nhỏ
Mười năm trước, trước khi Lovepink được đăng ký như một quỹ từ thiện, Effendy đã điều khiển một cuộc trò chuyện gồm 50 người qua Blackberry Messenger, trong vai trò là hình mẫu cho những người vừa được chẩn đoán mắc bệnh. Giờ đây, cô là thành viên của nhiều nhóm WhatsApp của Lovepink, được chia thành nhiều nhóm chat từ 200 đến 300 người. Một nhóm chat được đặt tên Warrior (chiến binh) cho những người hiện đang điều trị ung thư vú. Một nhóm chat khác được đặt tên Survivor (người sống sót) cho những người đã điều trị xong. Effendy — từng làm thư ký cho tổ chức từ 2014 đến 2019, đang quản lý các quy trình hành chính và điều phối với các bên thứ ba như các nhà tài trợ và tổ chức y tế, đồng thời trở thành diễn giả vào năm 2019 — hỗ trợ trong cả hai nhóm chat, cô trả lời câu hỏi và chia sẻ kinh nghiệm bản thân về quá trình điều trị, tác dụng phụ và các vấn đề khác.
Người tham gia thường biết đến Lovepink qua lời truyền miệng từ bạn bè, gia đình hay thậm chí những phụ nữ họ gặp khi đang điều trị. Effendy sống gần một trong những bệnh viện ung thư lớn nhất Jakarta, vì thế cô thường ghé thăm những phụ nữ vừa nhập viện. Nếu có phụ nữ nào không có người đi cùng đến nơi khám, Effendy sẽ đi cùng cô ấy. Hỗ trợ tinh thần là một trong những sứ mệnh cốt lõi của Lovepink, bên cạnh mục tiêu giảm ung thư vú giai đoạn muộn vào năm 2030 thông qua giáo dục phát hiện sớm về tự kiểm tra và kiểm tra siêu âm.
Phạm vi tiếp cận ngày càng mở rộng
Tất nhiên, một phần sứ mệnh của Lovepink không chỉ là tiếp cận một phụ nữ mỗi lần mà là đến với cả một nhóm lớn. Để đạt được mục tiêu đó, khoản tài trợ của Quỹ MDRT sẽ hỗ trợ chương trình Lovepink cung cấp dịch vụ siêu âm miễn phí cho những phụ nữ có nguồn tài chính hạn chế. Hợp tác cùng các bệnh viện tại nhiều thành phố ở Indonesia, chương trình hướng tới mục tiêu giúp đỡ 10.000 phụ nữ. Khoảng 2.500 phụ nữ đã nhận được dịch vụ này vào năm 2022. Nỗ lực này là phần mở rộng của một chương trình dài hạn, trong đó có xe van Pink được hỗ trợ bởi các tình nguyện viên bác sĩ X quang, giúp sử dụng thiết bị siêu âm di động, đã cung cấp dịch vụ cho nhiều cộng đồng khác nhau.
Khi Effendy giúp đào tạo thành viên Lovepink muốn làm tình nguyện (đại đa số thành viên hội đồng quản trị và tình nguyện viên của tổ chức là những người đã vượt qua căn bệnh ung thư vú), họ được đào tạo để lan toả tầm quan trọng của việc phát hiện sớm và cũng để làm việc với các bác sĩ thực hiện siêu âm, mỗi ngày có thể siêu âm cho 15 đến 50 người ở mỗi khu vực.
Tương tự như vậy, cả năm, Effendy và những nhà hoạt động còn lại trong Nhóm Pink Squad của Lovepink cố gắng truyền bá thông điệp và dịch vụ của họ, bao gồm cả nỗ lực gần đây ở Bogor, Indonesia, nơi 100 phụ nữ được siêu âm mỗi ngày trong 5 ngày liên tiếp. Trong Tháng Nhận thức về Ung thư Vú vào tháng 10 hàng năm, Lovepink tổ chức một cuộc chạy bộ hoặc đi bộ gây quỹ mang tên “Jakarta chuyển sang màu hồng” cũng như nhiều hoạt động khác giúp chia sẻ thông điệp phát hiện sớm cứu sống như thế nào.
Effendy nói: “Tôi chính là bằng chứng sống cho thấy ung thư vú không phải là tận thế. Bạn có thể hồi phục nhờ tinh thần mạnh mẽ và quá trình điều trị tốt.”
THÔNG TIN LIÊN HỆ
Tuty Effendy tuty.effendy@gmail.com