Khi thế hệ sau kế nhiệm
Thành viên tham gia:
Michelle L. Bender, CFP, thành viên MDRT 12 năm đến từ Germantown, Maryland, Hoa Kỳ
Gerald C. Grant Jr., thành viên MDRT 18 năm đến từ Miami, Florida, Hoa Kỳ
Gerald C. Grant III, CFP, MBA, thành viên MDRT ba năm đến từ Washington, D.C., Hoa Kỳ
Donald F. White Jr., CLU, ChFC, thành viên MDRT 34 năm đến từ Palm City, Florida, Hoa Kỳ
Vào tháng 8 năm 2021 đã diễn ra một webinar thảo luận về một vài vấn đề chính để hoạch định kế thừa thành công, cũng như những thách thức và cảnh báo khi chuyển giao doanh nghiệp cho thế hệ sau. Gerald C. Grant III bỏ việc ở công ty để trở thành tư vấn viên cùng với cha mình, Gerald C. Grant Jr., cả hai chia sẻ những thăng trầm diễn ra trong quá trình chuyển tiếp đó.
Bender: Có thách thức nào từ gia đình khi phải làm việc cùng nhau không?
Grant III: Một trong những điều hay ho trong mối quan hệ của chúng tôi là cả hai giống nhau nhiều đến mức rất hợp cạ. Cho nên dù bất kể điều gì xảy ra, chúng tôi đều tìm được cách để giải quyết. Nhưng một vấn đề nổi cộm là phải tách bạch giữa công việc và cuộc sống gia đình, đặc biệt khi tôi mới quay lại Miami và sống trong nhà bố tôi. Trong năm đầu tiên, rất khó để không nói về công việc. Tôi cảm thấy chúng tôi nói chuyện về gặp gỡ khách hàng trong cả bữa tối, và chúng tôi luôn luôn làm việc vì cả hai đều rất ham công tiếc việc và muốn xử lý xong mọi thứ.
Tôi thấy là chúng tôi chưa bao giờ có thời gian để thực sự sống chậm lại và thực sự có mối quan hệ cha con, nói về bóng đá hoặc các thứ không liên quan đến khách hàng. Tôi cho rằng việc ở xa nhau (Grant III hiện đang làm ở văn phòng đặt tại Falls Church, Virginia còn cha anh thì ở Miami, Florida) đã cải thiện phần nào mối quan hệ vì chúng tôi có thể ngừng làm việc và trở lại là cha con, chứ không phải sếp và đồng nghiệp.
Nhưng chúng tôi có thể tạm ngắt vai trò cha con khi làm việc. Có những lúc ông muốn nhảy vào và dành ngày đó vì ông là cha tôi. Nhưng trong doanh nghiệp, bạn phải tạo một môi trường hướng tới tăng trưởng và nhắc: “Vâng, đây là đồng nghiệp của tôi. Cậu ấy không còn là con trai tôi vào lúc này. Cho nên, tôi cần tạo cho cậu ấy một không gian và khả năng để phát triển.”
Grant Jr.: Điều đó có tác dụng rất tích cực. Rất nhiều khách hàng của chúng tôi đã làm với tôi trong suốt 20, 25 năm qua, và nếu có điều gì đó xảy ra với tôi bây giờ, họ vẫn thấy thoải mái khi làm việc với con trai tôi. Chúng tôi lên lịch các buổi họp có chương trình nghị sự, theo đó con trai tôi nói về một số vấn đề và tôi nói về một số vấn đề khác. Đó là nỗ lực tập thể, rất nhiều khách hàng của chúng tôi thích điều đó. Chúng tôi thậm chí còn bắt đầu nhận con của khách hàng làm khách hàng của chúng tôi. Vừa cuối tuần này, tôi đã nói chuyện với một trong số hàng xóm của mình và họ gợi ý con trai anh ấy gặp con trai tôi. Chúng tôi đã phát triển công việc kinh doanh lên khoảng 20% chỉ bằng cách biến con cái của khách hàng trở thành khách hàng.
Bender: Anh thấy vị trí quan trọng nhất mà anh cần đảm trách là gì để có thể tiếp quản doanh nghiệp?
Grant III: Tôi chia vấn đề này thành ba phần. Thứ nhất là bạn phải sẵn lòng học hỏi. Tôi cho rằng tư vấn viên trẻ, đặc biệt thế hệ Y, muốn tiếp quản với tâm thế cố gắng trở thành người đột phá. Chúng tôi muốn tiếp quản, gia tăng giá trị và trở thành siêu sao. Nhưng tôi cho rằng cần có thời gian để học hỏi, để đột phá, đặc biệt với những doanh nghiệp trong thời kỳ chuyển giao. Chúng tôi phải làm việc với những người có doanh nghiệp thành công trong 20, 30 năm, và họ đang làm những việc mang lại hiệu quả. Điều quan trọng là bạn phải biết khi nào là lúc ngồi lại và tìm hiểu doanh nghiệp, học hỏi những điều giúp họ thành công và từ đó bạn có thế tìm ra cách để đột phá và gia tăng giá trị thêm nữa.
Thứ hai, bạn phải hiểu lĩnh vực bạn có thể gia tăng giá trị, vì ở đây không chỉ là về tiếp nhận doanh nghiệp. Đây là xây dựng và phát triển doanh nghiệp vượt ra ngoài khuôn khổ hiện có tại thời điểm được chuyển giao.
Điều cuối cùng với tôi là hiểu rõ mọi ngóc ngách của doanh nghiệp. Tôi đã học cách bán sản phẩm, nhưng còn có nhiều thứ khác liên quan đến kế thừa công việc kinh doanh và điều hành một doanh nghiệp. Tôi nhớ lần đầu tiên khi phải tuyển và sa thải một người nào đó. Tôi đã nghĩ: Việc này không nằm trong bản mô tả công việc. Nhưng khi điều hành một doanh nghiệp bạn phải có khả năng hiểu những việc đó hoạt động thế nào, hiểu báo cáo tài chính, và có khả năng ghi chép chi tiết mọi hoạt động của doanh nghiệp bao gồm cả số tiền chúng ta đã bỏ ra cho chuyến công tác và những thứ tương tự. Nếu muốn phát triển và mở rộng quy mô doanh nghiệp, bạn không thể chỉ biết cách bán sản phẩm nhưng lại không biết cách điều hành doanh nghiệp.
White: Tôi muốn bổ sung thêm về phần của Grant III. Đôi khi bạn cần nghĩ tới việc có nhiều hơn một người kế nghiệp. Việc bắt Grant phải làm những việc cậu ấy không có khả năng đặc biệt để làm là không công bằng. Cho nên, chúng ta cần biết một thực tế là thường người ta sẽ cần nhiều người để tiếp quản một doanh nghiệp và để lấp đầy những vị trí đặc biệt này. Đừng sợ khi phải nghĩ rằng chúng ta có thể có vài người có khả năng trở thành người kế nhiệm.
Bender: Ông nói gì với các con về việc tham gia doanh nghiệp hay chí ít là hỏi họ suy nghĩ gì về điều đó?
Grant Jr: Tôi cho rằng cách tốt nhất để dạy dỗ sẽ giống như cách bác sỹ làm vậy. Chúng phải vào làm, quan sát và cảm nhận. Để chúng vào làm tập sự và xem chúng thích công việc đó đến đâu. Có nhiều mảng khác nhau trong doanh nghiệp có thể khiến chúng thích. Một số đứa có thể có đầu óc phân tích, và chúng có thể thích việc đó, và một số có thể thích bán hàng. Có nhiều vị trí; đó là một doanh nghiệp và bạn có thể xem chúng thích mảng gì. Người khác nhau thì có tính cách khác nhau, và việc thực tập chí ít cho chúng cơ hội để hiểu doanh nghiệp có những vị trí nào. Hãy để chúng biết rằng mình cần hiều báo cáo tài chính vì đó là một doanh nghiệp, có những quyết định dễ dàng và những quyết định khó khăn. Chúng càng nhìn rõ bức tranh toàn cảnh hơn, càng có thể xác định liệu trở thành tư vấn viên có là điều chúng muốn làm hay không.
Truy cập để xem webinar đầy đủ cho buổi trò chuyện này tại mdrt.org.
THÔNG TIN LIÊN HỆ
Michelle Bender michelle@pf-consultants.com
Gerald Grant Jr. gerald.grant@equitable.com
Gerald Grant III gerald3@thegfinancialgroup.com
Donald White donaldfwhite@gmail.com