Hàng nghìn túi bánh mì kẹp bơ lạc và mứt nho được chuẩn bị sẵn nhưng chẳng ai để tâm đến nguy cơ dị ứng lạc. Mì spaghetti thiếu sốt hay sốt BBQ không thịt được gửi đến ngân hàng thực phẩm. Cô Jasmine Crowe-Houston đã nhiều lần chứng kiến tình trạng như vậy khi đi làm tình nguyện. Dù ở đâu hay có sơ suất gì, cô đều nhận thấy thực tế phũ phàng đã trở thành cố hữu: Chính nỗ lực xóa đói lại vô tình gieo thêm nhiều vấn đề.
“Vấn đề nổi cộm nhất tôi thấy là sự thiếu tôn trọng”, cô Crowe-Houston, người sáng lập Goodr, trải lòng. Thành lập từ 2017, Goodr là tổ chức ứng dụng công nghệ để cải tiến quy trình và chất lượng của hoạt động quyên góp và phân phát thực phẩm, đồng thời là đối tác từ thiện của Quỹ từ thiện MDRT cho hội nghị MDRT EDGE 2024 tại Atlanta, Georgia, Hoa Kỳ. “Thông thường cảnh phát đồ ăn không khác gì bố thí: ‘Này, đói thì cầm lấy mà ăn đi’”.
Tuy nhiên, phải đến khi tới thăm nhà bạn và thấy tủ lạnh trống trơn, cô mới thực sự hiểu mức độ nghiêm trọng của vấn nạn này. Cô đã sốc khi nhận ra người thân quen của mình cũng phải vật lộn với cơm áo gạo tiền. Từ đó, cô nung nấu quyết tâm xây dựng tổ chức có tư duy cấp tiến trong tiếp nhận và phân phát thực phẩm cho người cơ nhỡ. Với mục tiêu giảm thiểu tình trạng lãng phí và nâng cao chất lượng thực phẩm quyên góp, cô Crowe-Houston bắt đầu nghiên cứu phát triển ứng dụng di động nhằm tối ưu hóa quy trình quản lý nguồn thực phẩm quyên góp, đồng thời đảm bảo thực phẩm được chuyển đến cơ sở đủ khả năng tiếp nhận.
Thay đổi từ hành động
Goodr lập danh mục đầy đủ mặt hàng để nhân viên các doanh nghiệp quyên góp có thể nhấp vào các mặt hàng đang có sẵn, chờ được nhận. Thông qua mạng lưới logistics, Goodr cho phép các tổ chức phi lợi nhuận cộng đồng đặt hàng quyên góp và theo dõi lịch trình giao nhận như đặt hàng chuyển phát nhanh.
“Chúng tôi không yêu cầu mọi người thay đổi thói quen hoàn toàn, bởi thực tế là họ vẫn bỏ phí thực phẩm mỗi ngày”, cô Crowe-Houston cho biết. “Chúng tôi chỉ làm cầu nối thu gom thực phẩm lãng phí, đảm bảo thực phẩm đến được với người cần thay vì bị vứt ra bãi rác”.
Goodr hiện đang hoạt động tại 26 thị trường ở Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, tổ chức còn xây dựng các cửa hàng tạp hóa trong khuôn viên trường học để học sinh và phụ huynh có thể thoải mái lựa chọn thực phẩm miễn phí phù hợp với nhu cầu. Phương pháp này không chỉ góp phần giảm thiểu lãng phí thực phẩm — cho đi loại thực phẩm người nhận không ăn được là việc làm vô nghĩa — mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống và cải thiện sức khỏe cho người nhận.
Những thay đổi này đã chạm đến trái tim của nhiều người. Một người phụ nữ đã gửi email cảm ơn cô Crowe-Houston vì cô đã xây dựng hệ thống phân phát thực phẩm bài bản nhất mà bà từng biết, và hơn hết là vì bà đã được nhận những miếng thịt chưa bị ôi, ngả màu. “Tôi xúc động đến tận tâm can”, cô bày tỏ. “Điều đó đã khẳng định thực tế đáng buồn là người nghèo luôn phải dùng hàng hóa kém chất lượng nhất”. Chỉ ba tuần trước, cô Crowe-Houston nhận được một email cảm ơn khác từ một người bà vì đã biến mong muốn được nếm thử thực phẩm lành mạnh như cá và rau củ của cháu gái bà thành hiện thực - những món ăn tưởng chừng như quá xa xỉ đối với họ và hiếm khi xuất hiện trong các suất ăn từ thiện.
“Atlanta là một trong những thành phố có khoảng cách giàu nghèo lớn nhất ở Hoa Kỳ”, cô nhận định. Tệ hơn là tình trạng mất an ninh lương thực ngày càng gia tăng cùng giá thuê nhà leo thang, nhưng thu nhập của người dân lại không đủ trang trải. Goodr không đặt mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn vấn nạn đói nghèo, mà chỉ hỗ trợ giải quyết vấn đề lương thực tạm thời cho người nghèo trong vài ngày mỗi lần.
“Tôi luôn nói rằng nạn đói không phân biệt đối xử. Vấn nạn này không phân biệt màu da, chủng tộc hay tôn giáo”, cô Crowe-Houston đã chứng kiến cảnh tượng này ở khắp nơi, từ khu ổ chuột ở Nam Phi, “xóm liều” ở Haiti, xóm nghèo ở Brazil, tới những hộ gia đình có thu nhập thấp tại Atlanta. “Như bao người, tôi cũng từng tưởng vấn đề này không quá trầm trọng. Thành công của dự án này đã thay đổi đời tôi”.
Cô Crowe-Houston đã miệt mài nuôi sống và hỗ trợ người mất nơi cư trú từ khi cô sống ở Phoenix vào năm 2009. Khi cô còn nhỏ, gia đình cô đã phải nhiều lần đứng trước lựa chọn thanh toán hóa đơn đúng hạn hay đảm bảo bữa ăn cho cả nhà. Tuy nhiên, động lực làm việc thiện của cô không chỉ đơn thuần xuất phát từ trải nghiệm cá nhân.
“Tôi luôn muốn được giúp đỡ và cống hiến”, cô chia sẻ. “Bất cứ khi nào có cơ hội góp sức, tôi đều muốn dốc hết tâm huyết để giúp đỡ và không ngần ngại hành động ngay”.
Những người tham gia dự án phục vụ cộng đồng tại sự kiện EDGE sẽ chung tay chuẩn bị hàng nghìn túi đồ ăn cho các tổ chức phi lợi nhuận ở Atlanta, mỗi túi bao gồm ba bữa chính và hai bữa phụ. Nếu bạn không tới tham gia EDGE nhưng vẫn muốn đóng góp: Hãy truy cập goodr.co, liên hệ với chúng tôi qua email info@goodr.co hoặc kết nối qua mạng xã hội. Goodr cung cấp bộ công cụ về cách nâng cao nhận thức về lãng phí thực phẩm, và blog để cộng đồng chia sẻ các địa điểm đang lãng phí thực phẩm.
Nhân nói đến việc tham gia: Người bạn của Crowe-Houston từng vật lộn với tình trạng thiếu lương thực giờ đây đã có cuộc sống ổn định hơn và trở thành tình nguyện viên Goodr.
Cô Crowe-Houston chia sẻ: “Chơi với tôi lâu chắc bạn cũng không ngồi yên được đâu. Bởi tôi luôn hành động không ngừng”.
Đối tác đồng lòng, vượt lên danh xưng
Để tránh nhầm lẫn, đối tác từ thiện Goodr của hội nghị EDGE không liên quan tới thương hiệu kính râm thời trang với mức giá hợp túi tiền trùng tên. Tuy nhiên, hai tổ chức đã cùng kết nối và hợp tác. Công ty kính râm đã cho ra mắt một mẫu kính và trích doanh thu bán hàng để quyên góp cho tổ chức Goodr của cô Crowe-Houston.