Tôi thấy rất nhiều khách hàng không nắm rõ số tiền tiết kiệm của bản thân, bất kể thu nhập của họ ở mức nào. Do đó, trong những năm tháng đầu sự nghiệp, việc xây dựng kế hoạch tài chính phù hợp khá khó khăn.
Ban đầu, tôi thường hỏi khách hàng về khoản tiền tiết kiệm hưu trí hàng năm của họ. Khách hàng thường nắm được họ có bao nhiêu tiền trong tài khoản hưu trí, nhưng tôi muốn biết họ dành bao nhiêu phần thu nhập cho các khoản chi trong tương lai. Từ những số liệu này, tôi sẽ xây dựng kế hoạch tài chính tỉ mỉ và đề xuất giải pháp chi tiết.
Sau đó, tôi sẽ trình bày kế hoạch cho khách hàng. Tuy nhiên, rất nhiều khách hàng sau đó đã thừa nhận rằng: “Thực ra tôi không tiết kiệm được nhiều đến vậy.” Hóa ra, số tiền họ tiết kiệm thực tế thấp hơn nhiều so với số liệu ban đầu họ cung cấp cho tôi. Bỗng dưng tôi mất bao thời gian xây dựng bản kế hoạch tài chính mà không sử dụng được chỉ vì dữ liệu đầu vào không chính xác.
Hầu hết khách hàng đều có tài khoản thanh toán và tài khoản tiết kiệm, thậm chí họ có thể có nhiều tài khoản mỗi loại. Khi dư tiền hoặc thấy tài khoản thanh toán đang có quá nhiều tiền, họ thường chuyển tiền vào tài khoản tiết kiệm. Rồi khi cần tiền cho các khoản chi đột xuất, cho các kỳ nghỉ hoặc các chuyến du lịch, họ lại rút tiền từ tài khoản tiết kiệm. Dòng tiền liên tục ra vào tài khoản tiết kiệm khiến họ khó lòng kiểm soát được chính xác số tiền tiết kiệm của mình.
Việc nắm bắt được chính xác số tiền tiết kiệm của khách hàng là mấu chốt để tôi đưa ra đề xuất tài chính thiết thực, khả thi và bền vững. Hiện tôi thường chia sẻ kiến thức cho khách hàng về các loại hình tiết kiệm và cách xác định số tiền tiết kiệm.
Ngắn hạn, trung hạn và dài hạn
Khi bắt đầu xây dựng kế hoạch tài chính, tôi thường trao đổi với khách hàng về ba loại hình tiết kiệm: ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Để quản lý tiết kiệm hiệu quả, mỗi loại hình tiết kiệm ngắn hạn, trung hạn và dài hạn nên có tài khoản riêng. Khách hàng có thể tận dụng những tài khoản hiện có.
Tài khoản tiết kiệm ngắn hạn được dùng cho các khoản chi tiêu hàng ngày như mua sắm nhu yếu phẩm, trả tiền nhà và tiền điện thoại. Tài khoản thanh toán thường dùng để tiết kiệm ngắn hạn. Ngược lại, tiết kiệm dài hạn là các khoản tiền dành cho mục đích hưu trí. Chúng tôi thường khuyến nghị khách hàng dùng tài khoản tiết kiệm riêng để quản lý các giao dịch này. Tiền gửi vào tài khoản này chỉ được sử dụng đầu tư vào các kênh sinh lời khác phục vụ mục tiêu nghỉ hưu. Tiết kiệm trung hạn dành cho những khoản chi tiêu mà khách hàng khó theo dõi và đánh giá. Những khoản tiền này không được sử dụng cho mục đích hưu trí hay chi tiêu thường ngày mà có thể dùng mua xe, trả học phí đại học hay du lịch xa.
Tài khoản dự phòng trung hạn là công cụ hữu ích giúp khách hàng theo dõi sát sao tiến độ tiết kiệm, bởi tiền gửi vào tài khoản tiết kiệm dài hạn chỉ dành cho mục đích hưu trí và sẽ không được sử dụng cho những chi phí phát sinh. Ngoài ra, tài khoản trung hạn còn cung cấp cho khách hàng con số thực tế để xây dựng kế hoạch tài chính hợp lý.
Thay đổi quan điểm của khách hàng
Giúp khách hàng thay đổi quan điểm về mục đích của mỗi loại tài khoản là rất quan trọng. Mấu chốt là giúp họ nhận ra lợi ích từ các khoản tiết kiệm trung hạn. Cuộc sống luôn đầy rẫy bất ngờ, vì vậy khoản tiết kiệm trung hạn sẽ là “bảo hiểm” giúp ứng phó với các chi phí phát sinh mà không cần “động vào” khoản tiết kiệm dài hạn.
Tất nhiên, để phát huy kế hoạch này hiệu quả thì khách hàng cần duy trì dòng tiền đều đặn vào cả tài khoản tiết kiệm trung hạn lẫn dài hạn. Trong quá trình đó, tôi sẽ luôn hỗ trợ họ xác định số tiền gửi định kỳ vào từng tài khoản.
Ngay cả những khách hàng có thu nhập cao nhất của tôi cũng hào hứng hơn khi nắm rõ thông tin về khoản tiền tiết kiệm dài hạn. Việc thay đổi tư duy tiết kiệm sẽ giúp quá trình lập kế hoạch tài chính hiệu quả hơn. Điều này giúp cả khách hàng lẫn tư vấn viên đều nắm bắt được chính xác các số liệu và tự tin hơn vào tính khả thi của kế hoạch tài chính.
Nắm bắt được số tiền tiết kiệm của khách hàng sẽ giúp chúng tôi thiết kế kế hoạch tài chính tự động hóa hiệu quả hơn. Chúng tôi có thể thiết lập chế độ tự động gửi tiền vào tài khoản đầu tư, đồng thời nắm được mức phí bảo hiểm phù hợp với khách hàng. Khi tự động hóa các hoạt động này, kế hoạch tài chính sẽ dễ thành công hơn.
Cô Jennifer Mann là thành viên MDRT 20 năm đến từ Chicago, Illinois, Hoa Kỳ. Liên hệ với cô tại jmann@lenoxadvisors.com.