Bảo vệ gia đình thông qua bảo hiểm Sharia
Lia Eunika Pamela
trong Tạp chí Round the Table1 thg 9, 2024

Bảo vệ gia đình thông qua bảo hiểm Sharia

Widyanti quảng bá sản phẩm như một công cụ hỗ trợ an sinh cộng đồng và cá nhân.

Dyah Eka Widyanti đã có 15 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành ngân hàng, vị trí cuối cùng là chuyên viên bán sản phẩm tiền gửi. Một đồng nghiệp cũ của bà sau khi chuyển sang lĩnh vực bảo hiểm đã mời bà tham dự một buổi chia sẻ về hành trình trở thành tư vấn viên dịch vụ tài chính.

“Nhìn lại hoàn cảnh của mình lúc đó, tôi tự hỏi liệu mình có thể đạt được những mục tiêu đặt ra cho bản thân mình trong vòng 5 năm tới hay không. Và tôi nhận ra rằng việc chuyển từ nhân viên ngân hàng sang ngành bảo hiểm là con đường nhanh nhất để tôi có được tự do tài chính, nhiều thời gian hơn và có thu nhập thụ động”.

Là thành viên MDRT 16 năm tại Jakarta, Indonesia, bà Widyanti tin rằng bán bảo hiểm là một nghề cao quý và tập trung vào việc cung cấp bảo hiểm Sharia.

Bà chia sẻ: “Tôi muốn tạo ra ảnh hưởng tích cực đến mọi gia đình tại Indonesia thông qua cung cấp bảo hiểm để xây dựng nền tảng tài chính vững chắc, bảo vệ di sản gia đình và tạo ra thu nhập thụ động”. Bảo hiểm là hiện thân của tình yêu thương và trách nhiệm. Trong xã hội Indonesia, những gia đình không có bảo hiểm sẽ phải đối mặt với khó khăn chồng chất khi trụ cột gia đình ra đi để lại vợ con hoặc khi một thành viên trong gia đình mắc bệnh nặng”.

Ban đầu, Widyanti lo ngại rằng bà sẽ bị đánh giá là một tư vấn viên chỉ tập trung vào một loại hình sản phẩm, trong khi theo lẽ thường tình, nhu cầu của khách hàng phải là ưu tiên số một. Tuy nhiên, bà đã vượt qua nỗi trăn trở này và tự tin hơn khi giới thiệu cho khách hàng tiềm năng rằng bảo hiểm Sharia là một giải pháp cho phép bên đăng ký bảo hiểm giúp đỡ cộng đồng những người cũng đăng ký bảo hiểm này và bảo vệ bản thân và gia đình họ. Hiện tại, bà có hơn 500 khách hàng, và 90% doanh số bán hàng đến từ các sản phẩm bảo hiểm Sharia.

Bảo hiểm Sharia là gì?

Bảo hiểm Sharia dựa trên các nguyên tắc Hồi giáo về sự thanh tịnh, chắc chắn và tinh thần tương trợ. Khác với bảo hiểm truyền thống, vốn chủ yếu chuyển giao rủi ro từ người được bảo hiểm sang công ty bảo hiểm, người tham gia bảo hiểm Sharia đóng góp “tabarru” - theo tiếng Ả Rập nghĩa là quyên góp, trao tặng, đóng góp từ thiện. Việc đóng góp “tabarru” xuất phát từ mong muốn làm việc thiện, không cầu lợi hay mong cầu báo đáp. Khoản đóng góp “tabarru” được đưa vào quỹ “takaful”, hay gọi là quỹ chung, không nhằm mục đích sinh lời mà để hỗ trợ những người tham gia khác khi họ gặp bệnh tật, thương tật, tai nạn hoặc tử vong. Quỹ này thuộc sở hữu chung của cộng đồng những người tham gia, và một công ty bảo hiểm sẽ quản lý quỹ theo quy định của ban giám sát Sharia với một khoản phí nhất định.

Theo Widyanti, nhiều khách hàng không theo đạo Hồi hoặc không am hiểu về Hồi giáo nhưng họ vẫn bị thu hút trước khái niệm rằng những người tham gia bảo hiểm Sharia đang giúp đỡ cho một cộng đồng lớn hơn, bất kể tôn giáo, sắc tộc, quốc tịch hay địa vị, bên cạnh việc bảo vệ cho chính bản thân họ. Nguyên tắc tương trợ của bảo hiểm Sharia cũng thu hút những khách hàng tiềm năng vốn e ngại các sản phẩm bảo hiểm truyền thống.

“Khi làm từ thiện, mọi người thường trực tiếp giúp đỡ một vài người có mối quan hệ quen biết với mình, ví dụ như bạn bè hoặc thành viên trong gia đình gặp khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, với bảo hiểm Sharia, chúng ta có thể hỗ trợ hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu người tham gia đang đối mặt với rủi ro hoặc thiên tai,” Widyanti giải thích. “Khi khách hàng tiềm năng không theo đạo Hồi thắc mắc về bảo hiểm Sharia, tôi thường nói rằng bảo hiểm này không chỉ dành riêng cho người Hồi giáo, bởi vì tinh thần tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau là giá trị chung của mọi tôn giáo”.

Lợi ích kinh doanh

Bảo hiểm Sharia không chỉ đáp ứng nguyên tắc tương trợ của đạo Hồi, mà còn thể hiện tinh thần luôn sẵn sàng cho tương lai của kinh Quran. Bà Widyanti tự tin khẳng định sản phẩm của mình luôn cam kết thanh toán bồi thường một cách nhanh chóng, kể cả những khoản lớn phải xử lý qua các công ty tái bảo hiểm. Một trong những khách hàng của bà đã qua đời năm 2021 vì ung thư đại tràng, và yêu cầu bồi thường bảo hiểm nhân thọ đã được giải quyết chỉ sau một tháng với số tiền hơn 940.000 đô la. Trước đó, chính khách hàng này đã hai lần được bồi thường từ bốn hợp đồng bảo hiểm bệnh hiểm nghèo, mỗi hợp đồng có hiệu lực hơn 10 năm. Lần đầu tiên là bồi thường cho việc đặt stent tim để thông tắc nghẽn, và lần thứ hai là cho chẩn đoán ung thư ba năm sau đó. Cả hai lần bồi thường với số tiền tổng cộng gần 275.000 đô la đều được hoàn tất trong vòng hai tuần sau khi nộp đơn.

Bà Widyanti tin rằng bảo hiểm Sharia sẽ ngày càng phổ biến trong tương lai nhờ sự đổi mới không ngừng của các sản phẩm và nhận thức ngày càng cao của cộng đồng về tầm quan trọng của bảo vệ nguồn lực tài chính. Ngoài ra, nguyên tắc minh bạch và chống lãi suất cắt cổ cũng là điểm thu hút nhiều người lựa chọn sản phẩm bảo hiểm của Sharia.

“Tôi luôn tâm niệm phải sống tích cực, không dễ dàng bỏ cuộc, không ngừng học hỏi, luôn hướng đến thành công, không tự mãn và phục vụ khách hàng bằng cả tấm lòng. Bà Widyanti khẳng định: “Chính tư duy này cùng việc tập trung vào bán bảo hiểm Sharia đã giúp tôi gặt hái nhiều thành công vang dội”.

Lia Eunika Pamela là cây bút của Team Lewis, một công ty truyền thông hỗ trợ MDRT trong mảng phát triển nội dung cho thị trường Châu Á - Thái Bình Dương. Liên hệ mdrteditorial@teamlewis.com

THÔNG TIN LIÊN HỆ

Dyah Widyanti dyahekawidyanti@gmail.com

(Các) Tác giả