Nếu nhân viên công ty đang phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe, ảnh hưởng đến cả công việc lẫn đời sống cá nhân, thì tư vấn viên chỉ đơn thuần giải thích về phúc lợi nhân viên thôi đã là đủ hay chưa?
Đối với ông Corey Williams, người luôn tâm niệm phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, thì câu trả lời chắc chắn là không. Khi làm việc với trụ sở chính của một công ty xây dựng quốc gia cùng công ty bảo hiểm của họ, thành viên MDRT 12 năm đến từ Christchurch, New Zealand, đã tổ chức kiểm tra sức khỏe miễn phí giúp xác định tỷ lệ cholesterol cao và béo phì đáng báo động, đồng thời thành lập câu lạc bộ đi bộ họp mặt 3 buổi mỗi tuần. Chương trình được hưởng ứng nhiệt tình trên cả mong đợi. Số lượng người tham gia và mức hợp tác, giao lưu giữa đội nhóm đều gia tăng. Đặc biệt hơn, ai đạt được mục tiêu cá nhân cũng sẽ được thưởng thêm hai ngày nghỉ phép có lương, kết quả là mọi người đều có lợi.
Ông Williams phụ trách phúc lợi cho nhân viên tại hơn 30 doanh nghiệp trong đội ngũ gồm 11 chuyên gia về quản lý rủi ro, tư vấn đầu tư, quản lý văn phòng và nhân viên hỗ trợ. Ông chia sẻ: “Công ty đó thực sự rất ấn tượng khi công ty bảo hiểm và tôi có thể cùng nhau hợp tác nhằm mang lại lợi ích tốt hơn cho người lao động, đồng thời vừa giúp công ty tiết kiệm chi phí, vừa chủ động chăm sóc sức khỏe để giảm yêu cầu bồi thường. Ông chia sẻ thêm: “Với tôi, chỉ cung cấp sản phẩm cốt lõi thôi là chưa đủ, quan trọng là chúng ta có thể làm gì hơn nữa?”
Quan hệ cá nhân
Ý tưởng về câu lạc bộ đi bộ thực chất đến từ chính trải nghiệm và mối quan hệ từ lâu của ông Williams với công ty xây dựng này. Vì từng vô địch môn đạp xe, ông hiểu rõ vai trò của dinh dưỡng trong việc quyết định kết quả. Vợ ông là bác sĩ chuyên về sức khỏe tinh thần và y học lối sống; bà đã khởi xướng nhóm đi bộ tại phòng khám của mình. Ông nhận ra ý tưởng này có thể áp dụng hiệu quả tại các không gian làm việc lớn như công ty xây dựng và giúp cải thiện tình trạng ít vận động tại nơi làm việc.
Do đó, ông đã chia sẻ thông tin về nhóm đi bộ với đại diện phòng nhân sự để truyền đạt lại với công ty, qua đó giúp ông tìm kiếm cơ hội được công ty bảo hiểm hỗ trợ. Ông còn chủ động mời chuyên gia tư vấn dinh dưỡng, chuyên gia trị liệu bàn chân, và các chuyên gia sức khỏe khác tới tư vấn thêm về cách quản lý chế độ ăn uống, các vấn đề về bàn chân, hoặc đặt câu hỏi khởi động để chương trình đạt được kết quả tốt nhất.
Nhờ sự hỗ trợ từ những người tiên phong ủng hộ sáng kiến này trong công ty, nhiều thành viên đã đón nhận và tham gia chương trình, đồng thời giúp đỡ lẫn nhau nếu chưa đạt được mục tiêu.
Ban đầu, công ty này chỉ muốn tập trung vào sức khỏe tinh thần do xây dựng là ngành có tỷ lệ tự tử và khó khăn về tâm lý cao tại New Zealand. Ông Williams đã tích cực đàm phán để đưa các chương trình hỗ trợ nhân viên miễn phí vào gói phúc lợi của họ, qua đó giúp người lao động dễ dàng tiếp cận các chuyên gia tâm lý một cách riêng tư, kín đáo, tránh bị kỳ thị hay dị nghị tại công ty.
Thành công của sáng kiến này, cùng phản hồi từ những người sẵn lòng chia sẻ về những lợi ích mà họ nhận được, đã giúp ông xây dựng mối quan hệ với công ty, từ đó hiện thực hóa ý tưởng thành lập câu lạc bộ đi bộ sau này.
Hỗ trợ chiến lược
Trong sáu năm trở lại đây, ông Williams nhận thấy các công ty bảo hiểm tại New Zealand đã chủ động hơn trong việc chăm sóc sức khỏe cho người lao động tại các công ty mà họ hỗ trợ, bởi họ nhận ra rằng nhân viên càng khỏe mạnh thì số lượng và chi phí yêu cầu bồi thường sẽ càng giảm. Mặc dù chưa từng quảng bá các dịch vụ đặc thù của mình nhưng nhờ “tiếng lành đồn xa”, ông ngày càng được làm việc với nhiều khách hàng lớn hơn nhờ mang “khía cạnh con người” rất khác với phong cách doanh nghiệp vốn vô cảm, khô cứng vào cuộc trao đổi về phúc lợi nhân viên.
Ông khẳng định, “Càng ngày chúng ta càng thấy rõ chăm sóc cho nhân viên cũng chính là chăm sóc cho khách hàng, và khách hàng lại chính là người vun đắp cho doanh nghiệp”.
Tại một công ty thực phẩm quốc tế, ông Williams phát hiện ra rằng bên cạnh áp lực về sức khỏe tinh thần, nhân viên chế biến thịt còn đang gặp nhiều vấn đề về cơ bắp. Để giải quyết vấn đề này, ông đã phối hợp cùng công ty bảo hiểm đưa chuyên gia trị liệu nghề nghiệp vào nhà máy để quan sát và xây dựng phác đồ trị liệu cho từng trường hợp.
Nhờ áp dụng lời khuyên của chuyên gia, một công nhân đã điều chỉnh cách cử động tay để giảm tình trạng đau do lóc thịt bò. Anh còn được hướng dẫn tập tại nhà để tăng cường thể lực. Nhờ đó, tinh thần và sức khỏe của công nhân trong nhà máy đã cải thiện và tỷ lệ vắng mặt cũng giảm đáng kể.
Ông Williams chia sẻ: “Chúng tôi luôn nỗ lực hòa mình cùng doanh nghiệp và gắn bó với con người để cùng xây dựng văn hóa và đội ngũ lãnh đạo. Bạn cần nắm được hoạt động kinh doanh, những thách thức và nhu cầu của họ, từ đó tháo gỡ những khó khăn mà họ gặp phải”.
Ông Williams cũng đã rút ra bài học này từ trải nghiệm của chính mình. Sau nhiều năm đạp xe, cách đây 5 năm, ông bắt đầu chuyển sang chạy bộ. Tuy nhiên, ông nhận ra mình cần huấn luyện viên hướng dẫn cách chạy (kết hợp tập Pilates và yoga) để tránh chấn thương. Ngoài ra, sau khi hai con gái sinh đôi của ông chào đời 12 năm trước, ông thấy mình ít có thời gian tập luyện hơn trước. Do đó, ông đã lên chương trình tập thể dục, viết nhật ký và thiền định mỗi sáng (ông gọi là “hạnh phúc có kỷ luật”) để duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần.
“Tôi thực sự bất ngờ trước những kết quả tích cực mình đạt được sau khi duy trì kỷ luật với quy trình này”. Ông cũng cho biết việc tự nhiên chia sẻ về các thói quen của mình với ban lãnh đạo của khách hàng cũng đã truyền cảm hứng cho họ noi theo. “Khi biết cách chăm sóc bản thân, bạn sẽ chăm sóc gia đình, bạn bè, khách hàng và cộng đồng của mình tốt hơn”.
Giữ vững phong độ
Sau khi theo dõi người đồng hương giành huy chương vàng ở nội dung nhảy cao tại Olympic, ông Williams nhận định rằng chúng ta có thể áp dụng những bài học từ thể thao vào mọi khía cạnh trong công việc hoặc đời sống cá nhân:
1. Tốc độ phù hợp sẽ đúng với bản thân
- Tăng tốc hết cỡ không phải lúc nào cũng hiệu quả
- Do dự sẽ cản trở bạn
- Hãy làm chủ tốc độ của riêng mình
2. Sức mạnh nền tảng tạo nên sự ổn định
- Hiểu rõ những giá trị nền tảng sẽ giúp chúng ta định hướng lối sống hàng ngày
- Nền tảng vững chắc giúp ta vững vàng
- Nền tảng quyết định cách thức và hành động
3. Linh hoạt là lợi thế
- Càng linh hoạt càng gặp nhiều cơ hội
- Nâng cao khả năng thích ứng
- Cứng nhắc sẽ hạn chế tầm nhìn
4. Thất bại là mẹ thành công
- Vận động viên nhảy cao sẽ có ba lượt nhảy
- Đang trên đà chiến thắng vẫn có khả năng thất bại
- Thất bại không đáng sợ; không thử sao biết
THÔNG TIN LIÊN HỆ
Corey Williams corey@swainwoodham.co.nz