Viết thư để đi từ tổn thương đến chữa lành
Matt Pais
trong Tạp chí Round the Table1 thg 5, 2024

Viết thư để đi từ tổn thương đến chữa lành

Đối tác từ thiện của Hội nghị thường niên MDRT, Letters to Strangers, cung cấp nền tảng để thanh thiếu niên có thể tương tác về sức khỏe tâm thần.

Viết nhật ký thật là tuyệt, ngoại trừ một điều: Nếu bạn đang gặp khó khăn thực sự, người kể chuyện trong những bài viết đó — bạn — có thể là kẻ thù nguy hiểm nhất của chính mình.

Cái nhìn sâu sắc này đã khiến Diana Chao, 14 tuổi, bắt đầu công việc mà sau này trở thành hoạt động của Letters to Strangers (Thư gửi người lạ - L2S), đối tác từ thiện của Hội nghị Thường niên MDRT 2024, đã giúp hơn nửa triệu người trên sáu châu lục trong thập kỷ qua. Khẩu hiệu của tổ chức là “Sức khỏe tâm thần dành cho mỗi cá nhân”. Để hiểu bản chất mang tính riêng tư và tính công khai của tuyên bố đó, bạn phải bắt đầu bằng việc viết một lá thư.

Chao đã sống sót sau một vụ tự tử sau khi cô bị chẩn đoán mắc chứng rối loạn lưỡng cực và sống dưới mức nghèo khổ ở Nam California trong 4 năm. Cha mẹ cô, không nói tiếng Anh, đã đối xử thiên lệch bởi cô là phận gái, cô bị bắt nạt vì là “đứa trẻ châu Á ở một thị trấn và trường học rất rất trắng”.

Vì vậy, Chao, từng lớn lên từ một vùng đất rất nghèo của Trung Quốc, đã viết một bức thư cho một người tưởng tượng. Một người mà có chính xác những gì cô cần vào thời điểm đó. Đây là một nỗ lực táo bạo được thúc đẩy bởi khát khao được giúp đỡ của Chao và cảm nhận về tinh thần trách nhiệm với em trai, người kém cô bốn tuổi. Theo cách nói của Chao: “thấy tôi bên bờ vực của cái chết” khi cô tìm cách tự vẫn.

“Tôi bắt đầu nghĩ rằng thật là xui xẻo khi tất cả những điều này đã xảy ra và tôi thấy thật kinh khủng, nhưng tôi lại thấy tốt hơn khi nghĩ rằng ngoài kia có ai đó đủ quan tâm để lắng nghe và có thể quan tâm đến tôi,” cô thổ lộ. “Tôi cảm thấy như cuối cùng cũng có thể tìm ra con đường hướng tới hy vọng và chữa lành. Nếu việc viết thư cho người lạ có thể giúp ích cho tôi thì có lẽ nó cũng có thể giúp ích cho người khác.”

Vượt ra ngoài tiền mua pizza

Chao thành lập L2S như một câu lạc bộ vào năm lớp 10. Cô kêu gọi bạn bè đến dự buổi gặp, dùng một khoản tiền rất nhỏ để mua pizza. Thành viên câu lạc bộ sẽ chia sẻ những tổn thương và khó khăn của họ, đồng thời hỗ trợ người khác vượt qua thử thách tương tự bằng cách viết những bức thư ẩn danh để người tham dự buổi họp truyền tay nhau đọc và thảo luận. Tiền mua pizza đã cạn nhưng mọi người vẫn tiếp tục kéo đến.

Rồi một cô gái ở thị trấn bên cạnh mong muốn tham gia bằng cách bắt đầu mở câu lạc bộ tại trường của mình, chi nhánh đầu tiên của L2S được thành lập Chao dạy cô bé cách nhân rộng những gì cô đã làm: khuyến khích người khác viết thư cho người xa lạ và tạo điều kiện cho các buổi gặp mặt, nơi mọi người có thể biến đấu tranh nội tâm thành một cộng đồng hỗ trợ. Các lá thư được chia sẻ với chi nhánh khác. Nhiều thị trấn hơn tham gia, rồi đến tiểu bang, sau đó là các quốc gia. Thậm chí, một nền tảng trực tuyến miễn phí đã được thiết lập để các cá nhân ngoài mạng lưới có thể trao đổi thư từ. L2S hiện hoạt động tại 70 quốc gia và mỗi năm phục vụ 35.000 người, đa phần là người da màu, phụ nữ hoặc giới thứ ba.

“Một điều giúp ích tôi, nhưng thật buồn, là tôi đã nghe rất nhiều câu chuyện từ những người chia sẻ với tôi rằng họ muốn làm điều này vì khi gặp tôi là lần đầu tiên họ nhìn thấy một người giống họ hoặc có câu chuyện lớn lên giống như họ, dám cất lên tiếng nói về bệnh tâm thần và không ghét bản thân vì điều đó,” Chao, người hiện đang hoàn thành chương trình MBA tại Đại học Oxford, bày tỏ. “Chắc chắn tôi rất ghét bản thân, nhưng tôi đoán mọi chuyện đã không diễn ra theo cách đó và phong trào này sẽ không thể thực hiện được nếu tôi không thành thật về việc toàn bộ bản sắc của mình đã tác động tiêu cực và tích cực đến sức khỏe tâm thần của tôi như thế nào.”

Bạn có thể thắc mắc, tại sao lại viết thư cho người lạ? Mục đích một phần là để loại bỏ áp lực phải đưa ra lời khuyên tốt nhất cho ai đó khi nhiều người không biết cách an ủi lẫn nhau trong mọi thời điểm, Chao giãi bày. Nó cũng tạo ra sự ẩn danh hai mặt, bảo đảm người viết không thể bị đánh giá dựa trên màu da, giới tính hay quá khứ, do đó câu chuyện của họ là điều duy nhất quan trọng.

Tôi chỉ đơn giản là đang kể câu chuyện về cuộc đời mình và tôi có quyền làm chủ câu chuyện đó,” cô chia sẻ. “Việc viết thư cho người lạ nhắc nhở tôi rằng tôi có tiếng nói đáng để cất lên, một câu chuyện đáng để kể và tất cả những điều đó mang đến một cuộc đời đáng để sống.”

Tại Hội nghị Thường niên MDRT 2024, người tham gia dự án dịch vụ của Quỹ từ thiện MDRT sẽ chuẩn bị một gói quà gồm dụng cụ viết thư, sách, áo phông và nhiều thứ khác mà L2S có thể phân phối giữa các chi nhánh. Bất kỳ ai không thể tham dự đều có thể học cách quyên góp hoặc tham gia tại letterstostrangers.org. Các lựa chọn tương tác bao gồm gửi thư, đăng ký câu lạc bộ trong cộng đồng hoặc giới thiệu tài liệu miễn phí của L2S nếu trường học tại địa phương bạn không có sẵn kế hoạch chăm sóc sức khỏe tâm thần.

L2S được thúc đẩy bởi cả ý tưởng cùng sự triển khai trên thực tế với sự nỗ lực của nhóm. Đội ngũ nhân viên nòng cốt của tổ chức gồm khoảng chục nhân viên (tất cả đều trẻ hơn 26 tuổi, phù hợp với nhóm đang được phục vụ dưới 30 tuổi), làm việc tại hơn 130 chi nhánh. Ngoài thư trao đổi ẩn danh và thảo luận do đồng cấp dẫn dắt, tổ chức này còn cung cấp sách hướng dẫn và sổ tay dành cho giáo viên được sử dụng làm chương trình giảng dạy trên khắp thế giới, gồm việc giảng dạy cho 10.000 học sinh trung học ở Nepal, nơi L2S có quan hệ đối tác với chính phủ. L2S cũng cung cấp dịch vụ vận động chính sách cấp cơ sở và nhiều dịch vụ khác nhau, gồm đường dây nóng triển khai trên toàn châu Phi (được quản lý từ văn phòng Liberia của L2S và được tài trợ thông qua ngân sách quốc gia của nước đó) cũng như các phòng khám di động tạm thời, chương trình tư vấn, v.v.

Mạnh mẽ hơn sau khó khăn

Rõ ràng, đây là một vấn đề toàn cầu và cần phải nhắc lại rằng Chao — người đã từng có thời gian làm tư vấn khẩn cấp cho Đường dây Phòng ngừa Tự sát Quốc gia — đã chứng kiến mọi người có thể đối mặt với khó khăn trong cuộc sống đến nhường nào, cũng như mối liên hệ giữa sức khỏe tinh thần và thể chất. Chấn thương về sức khỏe tâm thần của chính cô đã gây ra các triệu chứng tâm lý khiến cô mất thị lực trong nửa thời gian học trung học, thậm chí có lúc bị sốt hơn 43 độ C và phải dùng máy hỗ trợ sự sống. Lần đầu tiên cô bị gia đình đuổi khỏi nhà lúc 6 tuổi và sống sót nhờ nhặt nhạnh thức ăn sót lại trong thùng rác khi sống ở tầng dưới cùng của gara đậu xe trong siêu thị.

Sau khi cha qua đời, em trai cô nói rằng họ dường như đang để tang hai người khác nhau. Nhưng trước khi qua đời, cha đã xin lỗi Chao, một dấu hiệu cho cô hiểu rằng tổn thương giữa các thế hệ có thể bớt hằn sâu hơn.

“Đó là điều gì đó mà tôi không thể tưởng tượng được khi còn là một đứa trẻ,” cô tâm sự. “Nhưng điều đó cũng chứng minh rằng khi tôi bắt đầu đi trên con đường này, dù rất chông gai và ban đầu gia đình tôi cảm thấy xấu hổ vì điều đó, thì tất cả chúng ta đều mong muốn và cần được chữa lành. Khi chúng ta mở lòng trước và chào đón mọi người bước vào, thì những điều xuất hiện sau đó thường sẽ vượt xa cả sự tưởng tượng khó tin nhất.”

(Các) Tác giả

Matt Pais

MDRT senior content specialist