Theo Caroline A. Banks, FPFS
Thế giới đang thiếu bảo hiểm trầm trọng. Có quá nhiều tư vấn viên tài chính trở thành chuyên viên quản lý tài sản đơn thuần mà không nhận ra rằng bảo hiểm mới chính là yếu tố nền tảng trong hoạch định tài chính. Nền tảng này cần phải đủ vững để làm chỗ dựa tài chính cho khách hàng trong mọi tình huống.
Công ty của tôi đã duy trì được hoạt động nhờ bảo hiểm bệnh hiểm nghèo khi chồng tôi – Giám đốc Tài chính kiêm Giám đốc CNTT – đổ bệnh. Quan trọng hơn cả là tôi có thể rút ngắn thời gian làm việc trong vài tuần mà không cần phải lo về gánh nặng tài chính.
Đảm bảo có đủ bảo hiểm
Với tuổi thọ trung bình ngày càng cao và cứ 2 người thì có 1 người bị mắc bệnh ung thư, bảo hiểm bệnh hiểm nghèo là một phần quan trọng trong các khuyến nghị của tôi dành cho khách hàng. Chúng ta biết có thể lên kế hoạch cho những gì, nhưng lại không thể lường trước được tai ương nào sẽ ập đến.
Nếu khách hàng nói rằng họ không đủ khả năng mua thêm bảo hiểm thì sao?
Đôi khi chúng ta nghĩ rằng khách hàng không có đủ khả năng chi trả cho tất cả sản phẩm bảo hiểm theo khuyến nghị, nên chần chừ không muốn khuyên họ chi mạnh tay hơn vào bảo hiểm. Tuy nhiên, sau khi gia nhập MDRT, tôi đã nhận ra rằng khách hàng của tôi cần phải mua bảo hiểm cho nhiều loại hơn so với các gợi ý ban đầu của tôi. Tôi cũng cố gắng đặt mình vào vị trí của khách hàng bằng cách tư vấn rằng nếu họ ngừng mua cà phê mỗi ngày, thì số tiền tiết kiệm được có thể dùng để mua bảo hiểm bảo vệ gia đình họ. Điều này vô cùng quan trọng và là điểm mấu chốt giúp tôi đạt được danh hiệu Top of the Table. Ngoài ra, nếu nhìn lại sau nhiều năm, những khách hàng vài năm trước chưa thể trả tiền bảo hiểm nay lại có thể trả được do điều kiện sống của họ đã thay đổi.
Những khách hàng đã có bảo hiểm xã hội thì sao?
Thường thì mọi người nghĩ rằng có bảo hiểm xã hội là đủ rồi. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, hiếm ai làm việc cho một công ty trong suốt 40 năm. Họ có thể sẽ không được hưởng tiền bảo hiểm khi chuyển sang công việc khác. Tôi luôn nói rằng: “Anh/chị không mua bảo hiểm, mà chỉ thuê bảo hiểm đó khi làm việc”.
Ngoài ra, hãy bảo vệ bản thân và gia đình mình. Là tư vấn viên tài chính, ta phải làm gương cho những gì ta tư vấn và bảo vệ gia đình mình.
Bà Caroline Banks, đến từ London, Anh, Vương quốc Anh, là thành viên MDRT 36 năm kiêm cựu Chủ tịch MDRT. Tìm hiểu thêm góc nhìn của bà Caroline Banks trong video, mdrt.org/path-to-top-of-the-table. Liên hệ với bà tại cbanksmdrt@gmail.com.
Toàn cầu hóa: Mở rộng hoạt động kinh doanh qua cộng đồng người hải ngoại
Theo Fred Fouad Belman, FLMI, ACS
Dân số thế giới đang ngày càng trở nên toàn cầu hóa và di cư nhiều hơn — từ dân nhập cư, người hải ngoại cho đến những người “nay đây mai đó” làm việc ở bất cứ đâu có Wi-Fi (digital nomad).
Tôi sống tại Lebanon, đất nước có dân số khoảng 4,5 triệu người (số liệu điều tra dân số có thể khác nhau tùy nguồn), và cộng đồng hải ngoại đã giúp tôi tăng số lượng khách hàng của mình. Có 8-18 triệu người Lebanon sinh sống ở quốc gia khác, trong đó có 6 triệu người tại Brazil.
Hiểu rõ thị trường
Tôi sinh ra và lớn lên tại Orlando, Florida, Hoa Kỳ và chuyển đến Beirut vào năm 27 tuổi. Vì vậy, tôi hiểu khá rõ tệp khách hàng người hải ngoại. Tôi biết rằng cộng đồng Lebanon ở nước ngoài thích làm việc với đồng hương vì họ có thể sẽ hồi hương để nghỉ hưu trong nay mai.
Trên thực tế công việc, chúng tôi làm việc với cả những người từ quốc gia khác đang sinh sống tại Lebanon. Tôi có 1.300 khách hàng đến từ 15 quốc gia khác nhau. Đối với khách hàng hải ngoại, một phần công việc sẽ bao gồm làm việc với các công ty bảo hiểm quốc tế có trụ sở nước ngoài tại Quần đảo Cayman, Isle of Man, Hồng Kông (Trung Quốc) và Bermuda. Ngoài ra, cần phải nắm được quy định về thuế và văn hóa của từng nơi. Khi tôi cần thông tin về quy định thuế ở quốc gia khác, tôi sẽ làm việc với các thành viên MDRT khác, bao gồm cả các thành viên làm việc với các công ty thuế và công ty kế toán ở quốc gia mà tôi cần thông tin. Tuy nhiên, nhiều quốc gia mà chúng tôi có khách hàng không đánh thuế người hải ngoại.
Hoạch định cho người hải ngoại
Đội ngũ của tôi bao gồm 14 tư vấn viên tài chính và 3 nhân viên hỗ trợ. Nhìn chung, người hải ngoại có nhu cầu giống người trong nước. Tuy nhiên, họ cũng có nhu cầu đặc biệt mà thường chính bản thân họ cũng không hay biết.
Chúng tôi làm việc với rất nhiều giám đốc điều hành cấp cao, trong đó có nhiều người có quyền mua cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên từ công ty họ và có tài sản sở hữu tại Hoa Kỳ. Trong trường hợp tài sản nằm ở lãnh thổ Hoa Kỳ và khách hàng không phải là công dân Hoa Kỳ, họ sẽ phải nộp thuế thừa kế theo Mẫu IRS-706NA, trong đó quy định người thụ hưởng của khách hàng phải chịu mức thuế lên tới 40% đối với bất kỳ tài sản nào có giá trị trên 60.000 USD. Chúng tôi giúp người hải ngoại cơ cấu tài sản để tránh người thụ hưởng phải chịu khoản thuế này một cách hợp pháp.
Tìm kiếm thị trường
Nếu bạn muốn làm việc với khách hàng người hải ngoại và hoạch định xuyên quốc gia, bạn có thể kết nối với các nhóm người hải ngoại trên LinkedIn, Facebook, v.v. Ngoài ra, người hải ngoại thường kết nối với người trong cộng đồng của họ. Một khi họ tin tưởng bạn, họ sẽ bắt đầu giới thiệu bạn với những người hải ngoại là bạn của họ.
Tôi thực sự đã vững vàng trong vai trò là tư vấn viên tài chính khi làm việc với cộng đồng người hải ngoại. Tất cả chúng ta đều là một phần của cộng đồng toàn cầu. Đó cũng chính là xu hướng trong tương lai.
Ông Fred Belman, đến từ Beirut, Lebanon là thành viên MDRT 16 năm. Tìm hiểu thêm về chủ đề này từ ông Belman, mdrt.org/grow-expat-business. Liên hệ với ông tại mcbelman@gmail.com.